Khi được đưa vào Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 cấp cứu, đường huyết của anh Hải lên 560 mg/dL trong khi người bình thường là 140 mg/dL. Siêu âm tim tại giường, bác sĩ nghi ngờ huyết khối bám thành tim. Hai năm trước anh Hải bị nhồi máu cơ tim, đã được đặt stent song không uống thuốc thường xuyên.
Ngày 11/10, BS.CKI Hồng Văn In, Trưởng phòng Cấp cứu - Lọc thận, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim trên nền nhồi máu cơ tim, dấu hiệu chỉ xuất hiện thoáng qua. Sau khi xử trí ban đầu và chẩn đoán, bác sĩ đặt máy monitor đầu giường nhằm theo dõi kỹ chỉ số sinh tồn của người bệnh, tránh nguy cơ ngưng tim, ngừng thở đột ngột.
Sau cấp cứu, nhịp tim của anh Hải ổn định hơn, huyết áp cũng cải thiện, tạm thời thoát nguy kịch song cần khảo sát chuyên sâu tim mạch, tư vấn đặt máy khử rung suốt đời bởi trường hợp này có thể ngưng tim bất cứ lúc nào.
BS.CKI Hồng Văn In theo dõi máy monitor đầu giường cho một bệnh nhân tại khu vực Cấp cứu. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
BS.CKI Hồ Ngọc Bảo, phòng Cấp cứu- Lọc thận, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, giải thích rối loạn nhịp tim là tình trạng thường gặp, trong đó có trường hợp cần can thiệp khẩn trương như nhanh thất hay xoắn đỉnh như trường hợp của anh Hải. Nhận diện sớm và can thiệp kịp thời giúp bệnh nhân tránh ngừng tim ngừng thở. Nếu ngưng tim kéo dài trên 5 phút sẽ có nguy cơ tổn thương não, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây nhịp tim bất thường như nhồi máu cơ tim, suy tim, sử dụng chất kích thích hoặc rối loạn nhịp tim di truyền. Bác sĩ khuyến cáo khi có biểu hiện đau tức ngực, nặng nề, khó thở, mệt mỏi, vã mồ hôi, cần đến bệnh viện ngay.
Người có tiền sử nhồi máu cơ tim như anh Hải để tránh tái phát bệnh cần phục hồi chức năng tim và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Ăn uống, sinh hoạt khoa học, tập thể dục đều đặn, kiểm soát các bệnh lý nền như béo phì, huyết áp, đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp